Chuyển đến nội dung chính

VÌ SAO CHUỖI TRÀNG CÓ 108 HẠT?

Chuỗi tràng trong Phật Giáo ngoài công năng là pháp khí tu hành ra còn là bảo vật của Tam Bảo, tín vật của sự truyền Pháp và là pháp vật chứa đựng công đức, cũng như thần lực rất cao vì tích tụ sự tu trì, công đức của các bậc tu hành.

Phật giáo nhìn vào vũ trụ nhân sinh, không phải là duy vật, không phải duy tâm, cũng không phải là duy thần. Mà Phật giáo nhìn vào sự hình thành của con người ở ba trạng thái kết hợp nhau là tâm, sinh và vật lý. Hay nói bằng danh từ Phật học là sự duyên hợp của ngũ uẩn, tứ đại; hoặc căn, trần và thức. Căn là nói về sinh lý, trần là vật lý, và thức là tâm lý. Căn, trần và thức tụ hội nhau để tồn tại. Nếu lìa một chỉ còn hai thì thế giới sẽ không tồn tại.

Vậy căn, trần, thức là gì?
Căn là:  mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Trần là:  sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp. Thức là:  nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức. Từ nơi sáu căn tiếp xúc sáu trần sanh ra sáu thức. Thức tạo tác vọng động, tạo nghiệp hoặc thiện hoặc ác để trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi.

Ví dụ như mắt nhìn thấy sắc đẹp của một người liền khởi tâm say đắm, từ nơi đắm mê sắc đẹp mà tạo nên hành nghiệp. Cho đến tai nghe âm thanh, mũi ngửi mùi thơm, thân chạm xúc những chỗ trơn láng mềm mại, ý suy nghĩ ghét, thương, hận, thù…

Lục căn là công cụ sai khiến của lục thức để tạo tác hành nghiệp thiện hoặc ác. Từ nơi hành nghiệp tích tụ chứa nhóm mang đi trong sáu nẻo luân hồi, từ quá khứ đến hiện tại, và, sẽ tiếp diễn trong tương lai; để chịu khổ trong vòng luân hồi.
Quá khứ do sáu căn không thanh tịnh, chạy theo trần cảnh khởi lên đắm trước tạo nghiệp: tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Và trong đời vị lai ta lại cũng theo con đường cũ tạo nghiệp sanh tử tham, sân,… này mà đi.
Từ nơi mắt thấy sắc tạo nên sáu món căn bản phiền não: tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến; cho đến mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, mỗi căn đều tạo nên sáu phiền não căn bản giống nhau:  tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Mỗi căn chúng ta có sáu thứ căn bản phiền não, và; như vậy, sáu giác quan đã tạo nên 36 thứ phiền não trong đời sống thường ngày. 
Do đó, cuộc đời của chúng ta liên tục nối tiếp trong ba đời từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Như vậy, trong ba đời ta đã tạo thành 108 thứ phiền não để làm hành trang trong đoạn đường sanh tử không cùng tận.

Cho nên, bây giờ chúng ta lần tràng hạt 108 lần trong khi niệm Phật, là quyết tâm đoạn trừ 108 món phiền não mà mình đã tạo trong ba đời. Đoạn trừ 108 món phiền não cũng có nghĩa là làm cho sáu căn thanh tịnh.

Sáu căn từ trước đến nay chạy theo sáu trần, khởi lên sáu món phiền não căn bản: tham, sân, si,….bây giờ ta lần tràng hạt niệm Phật, là ngăn cản không cho sáu căn vọng động chạy theo cảnh trần, và, giúp cho sáu căn quay về với tự tánh.

Sáu căn cảm nhận sáu trần sanh ra sáu thức, thức vọng động tạo nghiệp luân lưu trong vòng sống chết. Lần tràng niệm Phật là không cho căn nhiễm với trần; căn không nhiễm trần tức căn thanh tịnh, căn đã tịnh thì nghiệp không còn, nghiệp đã dứt sanh tử đoạn diệt.

Ấy gọi là giải thoát, hoặc vãng sanh về thế giới Cực Lạc của Phật A Di Đà. Theo Phật sử, Vua Ấn Độ Tỳ Lưu Ly thỉnh Đức Phật Thích Ca dạy cho pháp môn diệc trừ phiền não, Phật dạy nhà vua dùng hạt một loại cây gọi là “Vô Hoạn Tử” hay còn gọi là “Bồ Đề Tử” xâu thành chuỗi để niệm danh hiệu Phật thì sẽ tiêu trừ mọi phiền não.
Trong Kinh Phật dạy: “Nếu như muốn tiêu trừ các phiền não chướng, nên xâu chuỗi 108, luôn đem theo bên mình, hoặc đi đứng nằm ngồi, lần chuỗi niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, lần chuỗi trì niệm danh hiệu Phật càng nhiều càng tốt. Nếu như mãn 20 vạn biến thì có thể đạt đến Thân Tâm Bất Loạn.
Chuỗi còn là tín vật cho việc truyền thừa, kỷ vật. Vì vậy chuỗi tràng trong Phật Giáo ngoài công năng là pháp khí tu hành ra còn là bảo vật của Tam Bảo, tín vật của sự truyền Pháp và là pháp vật chứa đựng công đức, cũng như thần lực rất cao vì tích tụ sự tu trì, công đức của các bậc tu hành.

Chuỗi tràng Phật Giáo có bao nhiêu hạt được quy định rõ ràng và số lượng của hạt chuỗi đều mang một hàm ý nhất định. Chuỗi đại tràng có 108 hạt số liệu tượng trưng cho sự niệm tụng để dứt trừ 108 loại Phiền não.

Chuỗi trung tràng có 54 hạt biểu thị hành giả Phật Giáo tu trì phải tuân thủ các pháp Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Tín, Thập Hồi Hướng và bốn Pháp Thiện Căn.

Chuỗi tiểu tràng gồm có 27 hạt tượng trưng cho mười tám Pháp Học Nhân và chín Pháp Vô Học.

Chuỗi 21 hạt hàm ý Ngũ căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề Phần và Ngũ Trí Phật. 


Chuỗi 18 hạt tượng trưng cho Bát Chánh Đạo và Thập Hiệu Phật, còn tượng trưng cho 18 vị A La Hán. 

Chuỗi 16 hạt tượng trưng cho Thập Địa và Lục Ba La Mật. 

Chuỗi 14 hạt tượng trưng cho mười bốn Vô Úy của Bồ Tát Quán Thế Âm.

Chuỗi 12 hạt tượng trưng cho mười hai Nhân Duyên. 


Chuỗi 9 hạt tượng trưng cho Cửu Phẩm Liên Hoa. 

Ngoài ra còn chuỗi 1080 hạt, 42 hạt và chuỗi Mật Tông có chỗ dùng 110 hạt.

Chuỗi được dùng rất nhiều chất liệu để làm, thường thấy nhất như chuỗi kết bằng hạt Bồ Đề, hạt Kim Cang, ngoài chuỗi hạt còn được dùng chất liệu là thất bảo để làm. Như Vàng, Ngọc, Lưu Ly, San Hô, Hổ Phách..v.v… những chuỗi tràng được làm bằng chất liệu quý thường là do các thí chủ học hạnh bố thí của Bồ Tát Vô Tận Ý mà phát tâm cúng dường cho tượng Phật hoặc các bậc Trưởng Lão Đạo cao Đức trọng trong Phật Giáo.

(*): Bài viết có sử dụng tài liệu của Thầy Thích Phước Nhơn

LƯỢNG THIÊN XÍCH. St


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

NGUYÊN LÝ KHỞI LỆ CỦA TUẾ ĐỨC HỢP

"Khảo Nguyên" nói rằng: "Tuế đức hợp, đúng là can ngũ hợp với Tuế đức. Năm Giáp tại Kỷ, năm Ất tại Ất, năm Bính tại Tân, năm Đinh tại Đinh, năm Mậu tại Quý, năm Kỷ tại Kỷ, năm Canh tại Ất, năm  Tân tại Tân, năm Nhâm tại Đinh, năm Quý tại Quý. Vì vậy, Tuế đức thuộc dương, Tuế đức hợp thuộc âm". Xét Tuế đức hợp đều thuộc về thượng cát, chỉ có nghi, không có kị. Như vậy, cặn kẽ suy ra nghĩa của nó có chia ra cương, nhu riêng biệt. Tuế đức không cần hỏi là năm dương hay năm âm đều là thời cương, Tuế đức hợp không cần hỏi năm âm hay năm dương đều là thời nhu. Việc bên ngoài lấy cương, việc bên trong lấy nhu, đó là ghi chép từ thời cổ. (1) Tuyển trạch gia tuy chưa luận tới như thế, khi dùng có thể lấy ý mà thông vậy. Thích ý Tuế đức với Tuế đức hợp đều thuộc về thượng cát thần, chỉ có nghi, không có kị. Nhưng hai cái đó thì cương nhu không giống nhau. Ấy là Tuế đức là cương, Tuế đức hợp là nhu. Khi dùng có thể căn cứ vào nguyên tắc việc bên ngoài dùng cương, việc bên tron

PHÒNG NGỦ CÓ SÁT KHÍ CHIẾU ĐẾN SẼ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỨC KHỎE VÀ CON CÁI

Việc bố trí phòng ngủ nói riêng cũng như nội thất của căn nhà nói chung khá phức tạp, nhất là những nhà có diện tích nhỏ hẹp hoặc có kiến trúc dạng ống, bởi trong lý luận phong thủy, bất kỳ căn nhà nào cũng có vượng khí, sinh khí, suy khí và sát khí chiếu đến từng vị trí cụ thể, việc bố trí nội thất cần phải dựa vào đó để giúp gia đạo an khang. Khi xét đến nội thất của căn nhà thì phòng ngủ được coi là vị trí rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tiền đồ của người nằm ngủ trong đó, vì vậy bố trí phòng ngủ cần phải tìm nơi khí sinh vượng, tránh nơi có sát khí chiếu đến. Trong quá trình nghiên cứu và ứng dụng học thuật phong thủy vào đời sống, chúng tôi đã gặp phải không ít trường hợp bố trí phòng ngủ sai với cách cục phong thủy, dẫn đến người nhà bệnh tật triền miên, việc thai sản cũng gặp khó khăn, điển hình là một gia đình sống tại phố Liễu Giai - Hà Nội. Ngôi nhà này xây dựng trong vận 8, tọa Quý hướng Đinh, kiêm Tý - Ngọ 5 độ, diễn số phong thủy như sau: Ngôi nhà có cách

Tử Vi Đẩu Số Thái Tuế Nhập Quái

Thái tuế nhập quái là cách xem do đại sư Tử Vân sáng lập. Cách xem này sử dụng yếu tố ngoại nhập vào lá số tử vi để đoán định. Thông tin ngoại nhập chính là địa chi. Anh tuổi gì ? tôi tuổi dog. Vậy là nạp chi Tuất vào xem. Có bốn tổ hợp tương tác: tuổi với tuổi, cung với tuổi, tuổi với cung và cung với cung.  Để tìm được yếu tố cung, bắt buộc phải có lá số trong tay. Nếu chỉ biết được tuổi của người đó thì không thể xem được theo phương pháp cung-cung. Còn trong dân gian thì hay hỏi ai đó tuổi gì, rồi đối chiếu với nhau. Như tuổi mão xung tuổi dậu. Cách xét tương tác tuổi với tuổi không sai, nhưng thô thiển. Nói cách khác, nếu lá số tử vi lập ra từ 5 yếu tố: năm tháng ngày giờ và giới tính. Thì cách lấy tuổi xét tương tác chỉ lấy địa chi của năm sinh, đương nhiên thô thiển. Cho nên mức độ chính xác có phần giới hạn. Quay lại cách xem thái tuế nhập quái của Tử Vân. Nói đơn giản là với lá số đó, thì khi nhập tuổi khác lên các cung, xét được tương tác của chủ nhân lá số với tuổi đó như th