Họ Thẩm người Tiền Đường, tên Thiệu Huân hiệu Trúc Nhưng. Năm ông mười ba tuổi, Kim Tiền bang nổi loạn ở Triết Giang, thành Hàng Châu bị vây hãm. Gia đình ông toàn bộ bảy người tuẫn nạn, mẹ ông nhảy xuống giếng tự vẫn, từ đó gia phá nhân vong. Riêng họ Thẩm thì bị bọn phỉ bắt mang tới Tùng Giang.
Sơn Nhâm hướng Bính, vận 1.
Năm sau tướng ngoại quốc Hoa Nhĩ đánh bại bọn phỉ cứu họ Thẩm ra, đồng thời nhận ông làm con nuôi. Về sau Hoa Nhĩ trong trận chiến ở Từ Khê, Chiết Giang bị trúng thương tử nạn sa trường, đích thân ông an táng cho cha nuôi. Đến năm ông mười lăm tuổi, họ Đào là vợ Hoa Nhĩ cũng qua đời. Từ đó ông làm việc cho một viên tướng người Anh, chuyên giảng giải binh pháp, huấn luyện tân binh.
Tới tuổi trung niên ông chuyển sang làm thương mại. Thẩm Trúc Nhưng trước sau có ba người vợ là họ Ngô, họ Tạ, họ Viên. Hai người vợ họ Ngô và họ Tạ mất sớm, còn họ Viên sinh được hai trai hai gái.
Về phương diện phong thủy, từ nhỏ Thẩm Trúc Nhưng đã bái sư học thuật phong thủy với một vị lão sư, nhưng chỉ học được một ít lý luận sơ sài. Lớn lên ông càng say mê môn phong thủy, thường chu du khắp nơi để học hỏi với đồng đạo. Nhờ thiên tư thông tuệ, trước năm hai mươi tuổi, ông bỏ công nghiền ngẫm không biết bao nhiêu thư tịch về phong thủy.
Lúc này Thẩm Trúc Nhưng đã kết giao được khá nhiều người tinh thông trong giới. Đáng tiếc một điều là, do lời của thầy ông nói rằng: “Phái Huyền Không không phải là chính phái, không đáng học”, nên đương thời ông xem phái Huyền Không như con thú dữ mà tránh xa. Lúc bấy giờ Tưởng Đại Hồng được tôn là đầu não của phái Huyền Không, vì vậy ông xem Tưởng Đại Hồng là đại địch.
Đến năm Tân Mùi được hai mươi bốn tuổi, ông thay thế tổ tiên tìm được một địa huyệt “Sơn Nhâm Bính hướng”, hình thế sơn thủy rất hữu tình. Để hoàn thiện trình độ xem phong thủy của mình, Thẩm Trúc Nhưng đã tụ tập tổng cộng mười tám vị thầy địa lý các phái ở Giang Nam, chỉ trừ những người theo phái Tưởng Đại Hồng. Kết quả là mười tám vị thầy địa lý nọ đều công nhận đây là cuộc đất rất tốt.
Không ngờ tin tức này đến tai một quan viên, ông ta cậy thế và dùng rất nhiều vàng để mua lại huyệt địa này, Thẩm Trúc Nhưng đành cam chịu.
Cuối năm Tân Mùi, vị quan viên nọ táng cha mẹ ở huyệt địa. Không ngờ sau đó hai cha con quan viên nọ đều phạm án mà mất chức, bị biếm đi đày, giữa đường thì chết, rốt cuộc gia đình tan tác. Thẩm Trúc Nhưng sau khi biết sự việc này thì kinh hãi không thôi, ông cảm thấy bứt rứt và tự cho mình có lỗi, vì chính huyệt địa này do chính do ông tìm ra.
Sau đó ông lại tụ tập các thầy địa lý để khảo sát cuộc đất thêm một lần nữa, nhưng rốt cuộc thì ý của các thầy địa lý nọ vẫn giống như trước đây, tức cho rằng cuộc đất này là cát địa, vả lại còn không phạm kị thần sát nào, mọi người đều không hiểu nổi vì sao lại dẫn đến chuyện gia đình quan viên nọ có kết quả bi thảm như vậy.
Về sau có một lần, Thẩm Trúc Nhưng cùng với một người bà con bên vợ Hồ Bá An du lịch tới Hàng Châu tình cờ ông phát hiện trong rương hành lý của Hồ Bá An có cuốn “Bí Bản” của Khương Thổ (họ Khương là một trong những đệ tử của Tưởng Đại Hồng). Trong “Bí Bản” có ghi rằng: “ Sơn Nhâm hướng Bính, sơn Bính hướng Nhâm của vận 1 phạm vào phản ngâm, phục ngâm nếu táng huyệt này này họa đến lập tức” nhưng trong sách lại hoàn toàn không đề cập đến các vận khác. Thẩm Trúc Nhưng nhớ lại lúc vị quan viên táng bố mẹ đúng là ở vận 1, và lại còn đúng sơn Nhâm hướng Bính thuộc phản ngâm, phục ngâm. Thế là một lần nữa ông lại tụ tập ba mươi mốt vị thầy địa lý để nghiên cứu cuộc đất, nhưng thảy đều không hiểu, chỉ kết luận” Có lẽ do ngẫu nhiên mà thôi”.
Lúc bấy giờ Thẩm Trúc Nhưng không còn dám khinh thường phái Huyền Không như trước, ông bèn tìm các sách do Tưởng Đại Hồng trứ tác hoặc chú giải để nghiền ngẫm nghiên cứu, đáng tiếc là vẫn không dò ra được đầu mối, đối với lý thuyết Huyền Không ông vẫn chẳng hiểu gì.
Tới năm Đồng trị Qúy Dậu (tức năm 1873), Thẩm Trúc Nhưng đã hai mươi sáu tuổi, ông nghe đồn ở địa phương Vô Tích có một vị đại sư phong thủy rất nổi danh, tên là Chương Trọng Sơn, cùng thuộc phái Huyền Không, tương truyền sở học phong thủy của tiên sinh Chương Trọng Sơn rất cao siêu, một khi ông đã xem đất cho ai thì vận trình của con cháu họ đều được cải thiện.
Vì vậy, Thẩm Trúc Nhưng bèn cùng Hồ Bá An tới đất Vô Tích hỏi thăm hậu duệ của Chương Trọng Sơn về lý thuyết phái Huyền Không (lúc bấy giờ họ Chương đã qua đời), nhưng hai người ở đất Vô Tích nhiều tháng trời mà con cháu của Chương Trọng Sơn vẫn không tiết lộ lời nào.
Cuối cùng Thẩm Trúc Nhưng nghĩ ra một cách là dùng thật nhiều vàng bạc để mượn cuốn “ Trạch đoán” (tức cuốn Âm Dương nhị trạch lục nghiệm) do Chương Trọng Sơn trứ tác chỉ trong vòng một ngày một đêm. Con cháu họ Chương thầm nghĩ trong thời gian ngắn như vậy thì không ai có thể hiểu nổi bí mật của phái Huyền Không, huống hồ sách “Trạch đoán” chỉ ghi chép những chứng nghiệm thực tế mà không viết những bí quyết bài bố tinh bàn, cho nên có chép hết cuốn sách cũng chẳng làm được gì, thế là họ cho mượn sách để lấy vàng.
Mượn được sách, Thẩm Trúc Nhưng và Hồ Bá An suốt đêm không ngủ, nỗ lực chép hết cuốn “Trạch đoán” không sót một chữ. Sau khi họ rời Vô Tích, Thẩm Trúc Nhưng nghiên cứu không biết mệt mỏi, nhưng thật đáng tiếc, ngày cứ trôi qua mà ông vẫn không hiểu được gì. Thuật phong thủy của Chương Trọng Sơn là thuộc phái Huyền Không Phi tinh, ThẩmTrúc Nhưng vốn không chút căn cơ , tự mình tự nghiên cứu quả rất khó khăn. Tuy vậy ông vẫn không nản lòng, cứ nghiên cứu tiếp.
Một ngày nọ , Thẩm Trúc Nhưng đọc sách Dịch lý tới đoạn viết về hình đồ Lạc Thư, trong diễn giải về nguyên lý số 5 (Ngũ) nhập trung cung, ông hốt nhiên thông suốt, hiểu ra quỹ tích của Tinh bàn Huyền Không Phi tinh là do Lạc Thư mà ra. Sau đó ông lại học rất nhiều sách diễn giải Dịch học, đối với ông lúc này sở học của Chương Trọng Sơn đã không còn là điều bí ẩn. Sau đó ông mang cuốn “Trạch đoán” ra chú giải lại.
Thường ngày Thẩm Trúc Nhưng rất oán tiên sinh Tưởng Đại Hồng, vì họ Tưởng được Vô Cực Tử chân truyền môn Huyền Không, nhưng tiên sinh chấp trước câu “Thiên cơ bất khả tiết lộ” nên chỉ bí mật truyền thụ cho một số ít đệ tử, đồng thời cấm đệ tử của mình phổ biến rộng rãi bí quyết này. Vì nguyên do đó, Thẩm Trúc Nhưng tự mình tìm ra bí mật này, ông đã trứ tác và truyền bá rộng rãi sở học phong thủy của mình cho mọi người. Người theo học ông khá đông. Trong số đệ tử có con của ông là Tổ Miên ( tự là Điệt Dân), Giang Chí Y, Hồ Bá An đã tham gia chỉnh lý di cảo của ông thành bộ “Thẩm thị Huyền Không học”.
LƯỢNG THIÊN XÍCH
Trích từ Thẩm Thị Huyền Không Học
Nhận xét
Đăng nhận xét